LUẬT VẬT DÂN TỘC


LUẬT VẬT DÂN TỘC
(còn được gọi là vật cổ truyền )
___________________________________________
Được tổ chức vào dịp lễ hội làng, lễ hội vùng, lễ hội đền , hang…. các dịp lễ, tết, các ngày lễ dân gian, dân tộc….

CHƯƠNG I: SỚI VẬT, TRANG THIẾT BỊ THI ĐẤU
Điều 1: Sới vật
1.1: Sới vật hình vuông, có kính thước 12m x 12m, bằng chất liệu đệm mút dày khoảng 10 cm. Ở những nơi không có điều kiện sới được làm bằng trấu trộn mùn cưa, dày tối thiểu 6 cm.
Sơ đồ sân đấu vật

1.2: Trên mặt sới trải một tấm bạt hình vuông có kính thước 12 m x 12m. Diện tích thi đấu là hình tròn có đường kính 7m, được giới hạn bởi một vạch tròn màu đỏ có độ rộng 10 cm ( hoặc 1m ), chính giữa sới vẽ một hình tròn màu đỏ đường kính 1m là tâm của sới vật. Phần còn lại của sới vật là khu vực an toàn.

Điều 2 : Địa điểm tổ chức
Sới vật phải được đặt ở nơi bằng phẳng, thoáng mát, dễ xem, đảm bảo an toàn, vệ sinh…

Điều 3: Trang thiết bị phục vụ thi đấu
3.1. Bàn ghế để BTC, giám sát, trọng tài làm việc
3.2. Ghế cho trọng tài chính (trọng tài trống ) mặt ghế phải cao ngang bằng với trống.
3.3 . Ghế cho hai trọng tài biên và 2 đô vật chuẩn bị thi đấu
3.4 .Trống cái to một chiếc ( kính thước tối thiểu : cao 80 cm, đường kính mặt trống 60cm ) và hai dùi đánh trống. Trống phải được đặt trên một giá trống.
3.5 . Cân điện tử hoặc cân bàn một chiếc.
3.6 . Cồng và dùi đánh cồng
3.7 . Đồng hồ bấm giờ 1 hoặc 2 chiếc.
3.8 . Loa đài, micro dùng trong phát thanh.
3.9 . Khăn lau thảm đấu, thảm chùi chân, xô chậu đựng nước...
3.10. Các dụng cụ sơ cứu của y tế…

CHƯƠNG II: NỘI DUNG THỂ THỨC THI ĐẤU
Điều 4 : Điều kiện tham gia thi đấu
4.1.  Tất cả các đô vật có trình độ, kỹ chiến thuật, sức khoẻ tốt (có giấy chứng nhận y tế), tư cách đạo đức tốt được cơ quan TDTT các cấp đăng ký mới có quyền tham gia thi đấu.
4.2. Đô vật ở độ tuổi trẻ có thể tham gia thi đấu ở độ tuổi trưởng thành (giải vô địch) nếu được sự

đồng ý của ban tổ chức cuộc thi khi xét cụ thể quá trình huấn luyện và thể lực của đô vật đó
4.3. Đô vật ở hạng cân nào chỉ được thi đấu ở hạng cân đó, trường hợp đô vật ở hạng cân dưới có thể thi đấu ở hạng cân trên (vượt một hạng cân).

Điều 5: Độ tuổi và hạng cân thi đấu
5.1. Giải thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi
- Từ 30 kg đến 35 kg; Trên 35 kg đến 39 kg; Trên 39 kg đến 43 kg;Trên 43kg  đến 47 kg;Trên 47 kg đến 51 kg;Trên 51 kg đến 55 kg
5.2 . Giải trẻ từ 16 đến 18 tuổi.
- Từ  40 kg đến  44 kg;Từ  44 kg đến  48 kg;Từ 48 kg đến 52 kg; Từ  52 kg đến  56 kg; Từ  56 kg đến  60 kg; Từ  60 kg đến  64 kg; Từ  64 kg đến  72 kg
5.3 . Giải vô địch từ 19 tuổi trở lên
- Từ  44 kg đến 48 kg;  Từ  48 kg đến 52 kg; Từ  52 kg đến 55 kg; Từ  55 kg đến 58 kg; Từ  58 kg đến 62 kg; Từ  62 kg đến 67 kg; Từ  67 kg đến 72 kg; Từ  72 kg đến 77 kg; Từ  77 kg đến 85 kg, Trên 85 kg  

Điều 6: Kiểm tra cân nặng và thể thức cân
6.1. Tất cả các đô vật tham gia thi đấu đều phải cân trước khi thi đấu
6.2. Trước khi cân chính thức,ban tổ chức phải bố trí cho các đô vật được cân thử trên cân chính thức này.
6.3. Các đô vật phải cân chính thức để bốc thăm, xếp lịch trước khi tiến hành cuộc thi tối thiểu 6 tiếng.
6.4. Khi cân các đô vật phải ở trần, mặc quần ngắn, chân đất, móng tay, móng chân cắt ngắn.
6.5. Kết quả cân được ghi vào biên bản.
6.6. Đô vật nào đến chậm trong thời gian cân hoặc thừa cân sẽ không được xếp hạng thi đấu.
6.7. Trong khi cân nếu đô vật nào thừa cân có thể đăng ký thi đấu lên hạng cân trên ( hạng kế tiếp ) với điều kiện ở hạng cân này đơn vị chưa có người tham gia thi đấu.
6.8. Tiểu ban cân đo gồm tổng trọng tài, tổng thư ký, 2  hoặc 3 trọng tài và đại diện các đoàn được phép chứng kiến việc kiểm tra cân đo cho đô vật.
Điều 7: Thể thức thi đấu:
Tuỳ tình hình cụ thể do điều lệ giải quy định có thể áp dụng các thể thức thi đấu sau:
7.1.  Thi đấu loại trực tiếp 2 lần thua.
7.2.  Thi đấu vòng tròn.
7.3.  Thi đấu hỗn hợp.

CHƯƠNG III: TRÌNH TỰ VÀ ĐIỀU LUẬT THI ĐẤU

Điều 8: Vật thờ.
8.1. Vật thờ là keo vật khai mạc giải.
8.2. Đô vật tham gia keo vật thờ phải là những đô vật khoẻ mạnh có kỹ thuật, chiến thuật điêu luyện hoặc là các lão đô đã qua tham gia thi đấu nhiều năm và có thành tích…

Điều 9: Xe đài:
9.1. Tất cả các đô vật tham gia thi đấu đều phải xe đài trước khi thi đấu.
9.2. Các đô vật xe đài phải tuân thủ theo đúng quy định của môn Vật dân tộc  (lên 3 bước bái tổ, xuống 3 bước về vị trí cũ, 3 lần 3 bước ra, 3 lần 3 bước vào ).
9.3. Các đô vật phải xe đài theo hiệu lệnh trống của người cầm trịch ( trọng tài trống ) và trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật xe đài đô vật tuyệt đối không được quay lưng về phía bàn ban tổ chức.
9.4. Các đô không biết xe đài sẽ không được tham gia thi đấu.
9.5. Các đô xe đài không theo quy định của luật sẽ bị nhắc nhở cảnh báo tuỳ theo mức độ sai phạm.

Điều 10: Thời gian thi đấu:
Mỗi trận đấu có 2 hiệp chính và 1 hiệp phụ, thời gian thi đấu của mỗi hiệp theo các độ tuổi được qui định thời gian cụ thể như sau:
10.1. Thời gian thi đấu ở hiệp chính là 03 phút đối với giải thiếu niên, 04 phút đối với giải trẻ, 05 phút đối với giải vô địch.
10.2. Thời gian thi đấu ở hiệp phụ là 02 phút đối với giải thiếu niên, 03 phút đối với giải trẻ, 04 phút đối với giải vô địch ( không kể thời gian tạm ngừng ).
10.3. Thời gian nghỉ giữa các hiệp là 01 phút.
10.4. Thời gian đô vật nghỉ để điều trị chấn thương trong một trận đấu tối đa là 3 phút.

Điều 11 : Cách tính điểm: ( áp dụng trong thi đấu vòng tròn )
Đô vật thắng được 2 điểm, đô vật thua 0 điểm.
Điều 12: Lỗi vi phạm.
12.1. Đô vật không được vi phạm các điều cấm sau đây:
+ Bóp, móc những chỗ hiểm.
+ Lao đầu về phía trước ( dùng đầu húc đối phương ).
+ Dùng đầu chặn đầu đối phương ( dùng đầu cản đầu đối phương ).
+ Đấm, đá, đạp chém gáy, dùng gối, dùng cùi chỏ tấn công đối phương…
 Túm tóc, bẻ ngược các khớp, cầm 1, 2, 3 ngón tay của đối phương.
+ Xe đài không đúng quy định.
+ Mang những đồ vật bằng kim khí trên người như nhẫn, dây chuyền, đồng hồ…
+ Móng tay, móng chân để dài.
+ Có những biểu hiện thi đấu tiêu cực (vi phạm điều 13)
+ Có những hành vi phản ứng, có hành động thô bạo, không tuân thủ lệnh của trọng tài.
+ Có lời nói, hành vi thiếu văn hoá xúc phạm ban tổ chức, trọng tài, đô vật bạn và khán giả…
+ Cố tình hãm hại đối phương.
12.2. Các đô vật vi phạm những điều cấm trên sẽ bị Trọng tài xử phạt tuỳ theo mức độ sai phạm:
+ Nhắc nhở (nhắc nhở 3 lần bằng 1 lần cảnh cáo).
+ Cảnh cáo (cảnh cáo 3 lần bị truất quyền thi đấu).
+ Truất quyền thi đấu.

Điều 13: Vật tiêu cực.
Đô vật được xác định là tiêu cực khi có các biểu hiện sau:
13.1. Đô vật có hành vi phòng thủ rõ ràng không chịu tấn công đối phương.
13.2. Thực hiện các miếng đánh không nghiêm túc, không quyết liệt (thực hiện các miếng đánh một cách hời hợt, không hiệu quả).
13.3. Ôm chặt đối phương bằng 1 hoặc 2 tay để ngăn cản đối phương không thực hiện được kỹ thuật, chờ hết thời gian thi đấu.
13.4. Cố tình chạy vòng quanh sới, hoặc chạy ra khỏi sới.
13.5. Cố tình đẩy đối phương ra khỏi sới.
13.6. Có tình túm lá đề đối phương.

Điều 14: Đô vật ra ngoài sới.
Trong khi thi đấu đô vật được coi là ra ngoài sới khi:
14.1. ở tư thế đứng nếu 2 chân của một hoặc 2 đô bị ra ngoài sới.
14.2. ở tư thế quì hoặc nằm nếu cả 2 đô đều có một bộ phận cơ thể bị ra ngoài sới.

Điều 15: Cách phân định thắng thua.
15.1. Đô vật thắng tuyệt đối khi:
- Đối phương ngã ngửa bụng.
- Làm cho đối phương toàn thân nổi khỏi sới.
- Làm cho đối phương nổi hai chân khỏi sới cùng một lúc (từ ngực trở lên vẫn tiếp xúc với sới vật, từ ngực trở xuống nổi khỏi sới). Trong trường hợp một đô vật ngã trắng bụng cùng  lúc với một đô nổi hai chân khỏi sới thì xét miếng đánh đó của đô vật nào thì đô vật đó thắng.
15.2. Thắng do đối phương bỏ cuộc.
15.3. Thắng do đối phương bị truất quyền thi đấu.
15.4. Thắng do đối phương bị cảnh cáo.
- Nếu sau 2 hiệp chính chưa xác định được đô thắng, đô thua bằng tuyệt đối thì xét đô vật nào bị cảnh cáo nhiều hơn sẽ thua.
- Trong trường hợp không có đô vật nào bị phạt cảnh cáo hoặc số lần cảnh cáo bằng nhau thi cho thi đấu tiếp bằng hiệp phụ.
15.5. Thắng do đối phương bị nhắc nhở.
Nếu sau hiệp phụ vẫn không xác định được đô thắng, đô thua thì xét trong hai đô vật, đô vật nào bị phạt từ nhắc nhở trở lên nhiều hơn sẽ bị thua.
15.6. Thắng do cân.
Nếu không đô nào bị nhắc nhở hoặc số lần nhắc nhở bằng nhau thì cân trọng lượng hai đô (đô khố đỏ cân trước)-Đô nào nhẹ cân hơn là thắng.
15.7. Thắng do bốc thăm.
Nếu hai đô có số cân bằng nhau thì tiến hành bốc thăm xác định đô thắng.
15.8. Thắng ngưng trận đấu do bị chấn thương.
Nếu trận đấu phải dừng lại do chấn thương, Ban tổ chức và Tổng trọng tài sẽ hội ý để xét lỗi vi phạm do cố ý hoặc vô tình để quyết định kết quả trận đấu một cách chính xác.
Nếu lỗi do đối phương cố ý gây nên thì đô gây chấn thương sẽ bị truất quyền thi đấu, đô bị chấn thương được vào vòng trong.

Điều 16: Xếp hạng đô vật (áp dụng trong thi đấu vòng tròn).
Trong từng bảng, từng vòng đấu đô vật được xếp hạng như sau:
16.1. Cộng tất cả điểm đạt được trong từng bảng, từng vòng đấu nếu đô vật nào có số điểm cao hơn sẽ xếp trên.
16.2. Trong trường hợp hai đô bằng điểm nhau thì đô nào thắng trong lần gặp nhau trực tiếp sẽ xếp trên.
16.3. Trong trường hợp ba đô trở lên bằng điểm nhau thì xét trọng lượng các đô, đô nào nhẹ hơn xếp trên (nếu các đô có trọng lượng bằng nhau thì tiến hành bốc thăm).

Điều 25:Nhiệm vụ và quyền hạn của trọng tài trống (trọng tài chính)
* Nhiệm vụ của trọng tài trống:
25.1. Điều khiển trận đấu theo luật bằng tiếng trống.
25.2. Dùng tiếng trống ra lệnh cho hai đô vật xe đài, thi đấu…
25.3. Dùng tiếng trống ra lệnh cho hai đô vật dừng thi đấu.
* Quyền hạn của trọng tài trống:
25.4. Trọng tài trống cho dừng trận đấu trong các trường hợp sau:
+ Một trong hai đô vật đã giành thắng lợi.
+ Một trong hai đô vật vi phạm lỗi.
+ Đô vật bị chấn thương.
+ Đô vật cần sửa lại trang phục.
+ Khi tổng trọng tài, phó tổng trọng tài, trọng tài biên có đề nghị.
+ Khi đô vật có đề nghị ( lý do chính đáng ).
25.5. Trọng tài trống phải theo dõi những động tác kỹ thuật của đô vật, nhắc nhở, cảnh cáo hoặc đề nghị truất quyền thi đấu khi các đô vật phạm lỗi.
25.6. Là người quyết định đô vật thắng, đô vật thua.

Điều 31: Trang phục của đô vật.
Các đô vật tham gia thi đấu phải ở trần,đóng khố, đi chân đất.

Điều 32: Nhiệm vụ - quyền hạn của đô vật.

32.1. Đô vật phải chấp hành tốt luật, điều lệ giải và các quy định của ban tổ chức.
32.2. Phải tuân thủ theo quyết định của Ban tổ chức và trọng tài.
32.3. Phải tôn trọng huấn luyện viên, đô vật đội bạn, tôn trọng khán giả…
32.4. Nghiêm cấm những hành vi thiếu văn hoá trái với tinh thần thể thao xã hội chủ nghĩa.
32.5. Trong khi thi đấu đô vật có quyền xin tạm dừng trận đấu khi có lý do chính đáng (mặt hướng về phía trọng tài trống, hai tay đưa cao trên đầu, mũi bàn tay phải hướng vào lòng bàn tay trái), trong trường hợp khẩn cấp: một tay giơ cao hoặc đập mạnh xuống thảm.
32.6. Đô vật chỉ được phép ra khỏi sới khi có lệnh của trọng tài trống.
32.7. Đến giờ thi đấu đô vật phải có mặt ở khu dành cho các đô vật, nếu trọng tài gọi tên đến lần thứ ba trong khoảng thời gian 5 phút mà đô vật đó không có mặt coi như đô vật đó bỏ cuộc.
32.8. Những đô vật có hành động thô bạo phạm luật thì tuỳ theo mức độ mà có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc truất quyền thi đấu.

 (Tài liệu tham khảo từ internet)



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Covid 19: Hiểu rõ F0, F1, F2... Fn

Thị Trấn Chi Đông